Hàng ngàn năm trước, khi các triều đại vẫn chưa xuất hiện, cổ nhân Trung Quốc tin rằng nền văn hóa của họ là do Thần ban tặng và những hoàng đế thời thượng cổ đều là nửa-Thần nửa-nhân. Thần Nông chính là một trong số những vị hoàng đế như vậy. Dưới đây là câu chuyện về ông.
Thần Nông là một vị hoàng đế trí huệ và nhân từ. Ông có thân người, đầu bò và vùng bụng trong suốt như thủy tinh. Mặc dù Thần Nông có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng người ta thường gọi ông là Viêm Đế. Với những đóng góp về nông nghiệp, thảo mộc và y dược, ông được tôn là “Vua ngũ cốc” và “Thần thảo mộc của Trung Quốc”. Ngày nay, ông được nhớ đến nhiều nhất với tên gọi Thần Nông (神農), có nghĩa là “vị Thần nông nghiệp.”
Tương truyền một hôm có vị tể tướng đến gặp Thần Nông và thỉnh cầu ông giúp đỡ một ông lão đang trong tình trạng vô cùng đau đớn. Không ai biết ông lão đáng thương bị đau thế nào hay làm cách nào để giúp ông, bởi vì thời ấy không có thuốc men hay hệ thống chăm sóc y tế. Không lâu sau, ông lão đã qua đời.
Sự việc này khiến Thần Nông vô cùng thương tâm. Làm sao ông có thể khoanh tay đứng nhìn người dân của mình chịu khổ và chết dần như vậy? Ông đã quyết tâm làm mọi cách có thể để mở mang tri thức về y dược.
Sự cống hiến vô tư
Kể từ đó, ngày nào Thần Nông cũng lặn lội vào rừng tìm kiếm các loài cây dại, nếm thử nhiều loại cây nhất có thể. Ông phân loại chúng theo mùi vị và thuộc tính — đây là khi vùng bụng trong suốt của ông phát huy tác dụng — ông phát hiện ra cây nào có độc và cây nào có đặc tính chữa bệnh. Ông đã xác định tổng cộng 365 loài thảo mộc, nhiều loại trái cây rau củ và 5 loại cây lương thực chính của Trung Quốc thời xưa là gạo, lúa mì, cao lương, kê và đậu.
Thông qua hành trình nếm thử mùi vị của mình, Thần Nông đã có thêm hiểu biết về cách trồng các loại thực vật khác nhau, cũng như loại đất thích hợp nhất cho từng loại thảo mộc và mùa sinh trưởng tốt nhất của chúng.
Nghe nói Thần Nông đã phát minh ra lịch, lưỡi cày và chiếc rìu. Ngoài ra, ông còn hoạch định mùa vụ, phương pháp bảo quản và dự trữ lương thực, nhờ đó người dân lúc nào cũng có cuộc sống ấm no. Việc này cũng đánh dấu sự bắt đầu của nền nông nghiệp ở Trung Quốc. Hàng ngàn năm sau, các học giả thời Hán đã biên soạn một cuốn sách dựa trên những đóng góp của ông, gọi là “Thần Nông Bản Thảo Kinh” (神農本草經).
Có lẽ có người sẽ tự hỏi, Thần Nông ngày nào cũng nếm rất nhiều loại thảo mộc không rõ nguồn gốc, làm thế nào ông vẫn tránh được nguy hiểm đến tính mạng. Lẽ nào ông ấy chưa từng bị trúng độc sao? Trên thực tế, ông đã từng bị trúng độc, có lúc ông trúng độc hơn 70 lần một ngày. Nhưng Thần Nông đã phát hiện một loại thuốc giải có thể hóa giải tất cả các loại độc. Nó được gọi là “trà” (茶).
Tương truyền, Thần Nông là người đầu tiên khám phá ra trà.
Một hôm, trong lúc Thần Nông đang nhóm lửa để đun nước, một vài chiếc lá từ đống lửa đã rơi vào trong ấm. Có lẽ đó là một việc tình cờ ngẫu nhiên. Thần Nông vốn là người luôn nếm thử bất cứ thứ gì có trong tay, vậy nên ông tự nhiên cũng uống thử một ngụm nước. May mắn thay, loại nước đặc biệt này không chỉ giúp ông giải trừ các loại độc tố, mà còn giúp ông sống thọ đến 120 tuổi.
Đáng tiếc thay, không phải lúc nào Thần Nông cũng có sẵn trà ở bên mình. Cuối cùng, khi Thần Nông nếm thử “đoạn trường thảo” (斷腸草), nó gây ra cơn đau đứt ruột đúng như tên gọi của nó. Vì không kịp uống thuốc giải nên Thần Nông đã mất mạng. Tuy vậy, những đóng góp vô tư của ông vẫn tồn tại mãi mãi. Vốn tri thức đồ sộ mà ông để lại — những thành quả cống hiến của ông — vẫn tiếp tục mang lại lợi ích cho nhân loại.
Xem thêm: