Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa hình thành tự nhiên trong cuộc sống. Đối với nhiều dân tộc, quốc gia, ẩm thực không chỉ là hưởng thụ về mặt vật chất mà còn là văn hóa tinh thần. Thông qua ẩm thực người ta có thể hiểu được nét văn hóa thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hóa của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống.
Ẩm thực của người Việt nam
Ẩm thực Việt Nam là phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống của người Việt Nam. Vị trí địa lý ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyên liệu chế biến và kết cấu bữa ăn. Tùy theo địa lý từng vùng miền sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, đánh bắt, sản xuất nguồn thực phẩm khác nhau từ đó bữa ăn của người dân 3 miền cũng hoàn toàn khác nhau.
Khí hậu cũng ảnh hưởng lớn đến văn hóa ẩm thực. Ở những vùng khí hậu nóng, các món ăn thường được chế biến từ thực vật, tỷ lệ ít thịt,ít chất béo hơn. Phương pháp chế biến thường là luộc, nhúng, chần. Hương vị món ăn sẽ mạnh ở gia vị thơm nồng và cay. Ngược lại, ở những vùng khí hậu lạnh, nguyên liệu chủ yếu là thịt động vật, giàu chất béo như vùng Miền Bắc.
Ẩm thực miền Bắc
Miền Bắc với đặc trưng khẩu vị mặn mà, đậm đà, thường không đậm các vị cay, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt như tôm, cua, cá, trai, hến… Nhiều người đánh giá cao ẩm thực Hà Nội một thời, cho rằng nó đại diện tiêu biểu nhất của tinh hoa ẩm thực miền Bắc Việt Nam với những món phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì với gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.
Ẩm thực miền Nam
Miền Nam có thiên hướng vị chua ngọt, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường cho thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía…). Ẩm thực miền Nam dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), đặc biệt với những món ăn dân dã nhiều khi đã trở thành đặc sản như: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui…
Ẩm thực miền Trung
Đồ ăn miền Trung được biết đến với vị cay nồng và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua, các loại mắm ruốc hay các loại đặc sản bánh kẹo Đà Nẵng, Huế. Đặc biệt, ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Một mặt khác, do địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực hoàng gia lại đòi hỏi số lượng lớn món, nên mỗi loại nguyên liệu đều được chế biến rất đa dạng với trong nhiều món khác nhau. Người dân thường sử dụng phương pháp quay, hầm trong chế biến.
Nguyên tắc phối hợp
Ẩm thực Việt Nam đặc trưng với sự trung dung trong cách pha trộn nguyên liệu không quá cay, quá ngọt hay quá béo. Các gia vị để chế biến món ăn Việt Nam vô cùng phong phú, bao gồm: Nhiều loại rau thơm như húng thơm, tía tô, kinh giới, hành, thìa là, mùi tàu…Gia vị thực vật như ớt, hạt tiêu, sả, hẹ, tỏi, gừng, chanh quả hoặc lá non…Gia vị lên men như mẻ, mắm tôm, dấm bỗng, dấm thanh hoặc kẹo đắng, nước cốt dừa…
Khi thưởng thức các món ăn, tính chất phối trộn nguyên liệu một cách tổng hợp nói trên càng trở nên rõ nét hơn: người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, mà một bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa. Một nét đặc biệt khác của ẩm thực Việt Nam là gia vị nước mắm. Nước mắm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các món ăn của người Việt. Ngoài ra còn có các loại nước chấm như tương bần, xì dầu Trong thức ăn được bày trên mâm hình tròn trong đĩa hoặc tô canh và luôn có bát nước chấm đặt chính giữa mâm. Các thức ăn, nước chấm đều được dùng chung. Bát nước mắm dùng chung trên mâm cơm, không chỉ làm khẩu vị đậm đà hơn, món ăn có hương vị đặc trưng hơn mà còn biểu thị tính cộng đồng và mực thước trong mỗi bữa ăn của người Việt. Bởi lẽ bát nước chấm đặt giữa mâm nên ai cũng phải dùng do đó nó trở thành thước đo sự ý tứ và trình độ văn hóa của mỗi người.
Triết lý chế biến
Ẩm thực Việt Nam tuân theo hai nguyên lý là Âm dương phối triển và Ngũ hành tương sinh.Các gia vị đặc trưng của các dân tộc Đông Nam Á nhiệt đới nói trên được sử dụng một cách tương sinh hài hòa với nhau, như món ăn dễ gây lạnh bụng tính hàn buộc phải có gia vị cay nóng tính nhiệt đi kèm và ngược lại. Các nguyên liệu tính nóng thường được nấu cùng nguyên liệu tính lạnh để tạo sự cân bằng cho món ăn.
Thịt vịt tính lạnh, thích hợp ăn vào mùa hè với nước mắm gừng mang tính nóng. Hay thịt gà và thịt lợn tính ấm thích hợp ăn vào mùa đông, trước đây thường chỉ khi Tết đến mới làm thịt lợn, thịt gà.Thủy sản các loại từ mát đến lạnh thích hợp khi sử dụng với gia vị mang tính ấm như gừng, sả, tỏi. Thức ăn cay nóng thường được cân bằng với vị chua, được coi là mát. Trứng vịt lộn tính lạnh, thường kết hợp với rau răm tính nóng. Bệnh nhân cúm và cảm lạnh thường được cho uống nước gừng, xông bằng lá sả và lá bưởi tính nóng.
Đặc trưng của ẩm thực Việt Nam
Đa số các món Việt được chế biến từ nguyên liệu rau củ, ít béo, không dùng nhiều chất đạm từ thịt hay dầu mỡ. Các món Việt đa số không gây ngán, hướng đến ngon miệng và tốt cho sức khỏe.
Món ăn Việt Nam được kết hợp từ nhiều loại gia vị như nước mắm, tiêu, muối…, hay ăn kèm với các loại rau thơm, húng quế, tía tô, ngò…
Món ăn Việt có sự tổng hòa của nhiều hương vị. Một trong những món ăn điển hình phải kể đến là gỏi hay nộm. Bạn sẽ bắt gặp tất cả các vị chua, cay, mặn, ngọt, giòn, dai…
Món Việt còn chú trọng hài hòa yếu tố âm – dương để cân bằng cho cơ thể đồng thời tăng hương vị. Trong bữa ăn của người Việt luôn có rất nhiều món khác nhau để cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể hơn.
Tính cộng đồng của người Việt thể hiện rất rõ trong từng bữa ăn. Chẳng hạn như, mọi người sẽ cùng nhau chấm chung 1 chén nước mắm, cách chấm cũng tinh tế chỉ chấm nhẹ phần thức ăn, không để đầu đũa chạm vào bát nước chấm, không dung đũa của mình khấy vào bát nước chấm hoặc bát canh chung.
Người Việt sẽ dọn tất cả các món ăn lên mâm và rất hiếu khách, họ thường mời khách đến nhà ăn cơm, trước và sau khi ăn thường mời nhau.
Ẩm thực thể hiện văn hóa tinh thần của người Vệt nam
Văn hóa tinh thần của người Việt trong ẩm thực chính là sự thể hiện nét đẹp trong giao tiếp, là sự cư xử giữa người với người trong bữa ăn, làm vui lòng nhau qua thái độ ứng xử lịch lãm. Việc ăn uống đều có những phép tắc, lề lối riêng, từ bản thân, đến trong gia đình, rồi các mối quan hệ ngoài xã hội.
Một số lễ nghi ứng xử trong bữa ăn của người Việt chúng ta nên tìm hiểu dưới đây:
Khi cùng ăn với người khác thì không thể chỉ lo mình được ăn no, người phụ nữ (con dâu) thường ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà, trong quá trình ăn cơm luôn để í người trong mâm đã ăn hết chưa để xới tiếp. Trước khi ăn nên mời một lượt những người có mặt trong mâm.
Cơm đã xới vào bát mình rồi thì không nên bỏ lại vào nồi cơm chung, như thế sẽ khiến người khác thấy không được vệ sinh. Không nên ăn liền một lúc hay húp canh một hơi dài, bởi vì như vậy sẽ khiến người khác cảm thấy mình ăn nhanh ăn nhiều, ăn tham, sợ không đủ ăn.
Khi ăn cơm không nên ăn miếng to, ăn từng miếng nhỏ từng miếng nhỏ một. Khi nhai thức ăn đừng để lưỡi phát ra tiếng động trong miệng, như thế sẽ khiến người cùng mâm cảm thấy khó chịu. Đừng vì thích ăn một món ngon nào đó trên bàn mà chỉ ăn cho hết món đó hoặc lấy riêng món đó để ăn. Không nên dùng đũa đảo đĩa thức ăn để chọn miếng mình thích ăn, mà nên gắp lần lượt.
Làm khách thì không nên tự mình nêm nếm thêm gia vị cho các món ăn, bởi vì nếu làm như vậy sẽ tạo ấn tượng món ăn không được làm đúng ý. Đối với những món thịt nướng, thịt quay thì không nên ăn miếng to một, khiến cho người ăn bị “phồng má trợn mắt”, “ăn nuốt ngốn ngấu”, dáng vẻ khó coi. Làm khách thì hạn chế gặm xương, cũng không được ném miếng xương cho chó ăn. thịt cá mà bản thân đã ăn qua nhưng vì không muốn ăn nữa thì cũng không được đặt lại bàn ăn mà tiếp tục ăn cho xong.
Khi ăn cơm không nên ca thán, thở dài, làm như vậy sẽ khiến không khí bữa ăn trở nên nặng nề, không có hòa khí. Nên nhai nuốt đồ ăn xong mới nói chuyện, tránh vừa ăn vừa nói nhồm nhoàm không đẹp mắt, khi ăn thì không nên xỉa răng, phải đợi đến khi ăn xong mới được làm. Khi ăn xong trước nên xin phép mọi người mình dừng bữa, là chủ nhà nên ngồi nán lại mâm tiếp chuyện cho đến khi người cuối cùng ăn xong.
Trong gia đình ăn chung mâm, ưu tiên thức ăn ngon cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ ”kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng, yêu thương. Bữa cơm hàng ngày được xem là bữa cơm xum họp gia đình, mọi người quây quần hạnh phúc nhường miếng ngon cho nhau sau một ngày làm việc vất vả.
Thông qua văn hóa lễ nghi ẩm thực mà chúng ta thấy được cách ứng xử của người xưa có lễ tiết thật thấu đáo, thưởng thức ẩm thực từ tốn chậm dãi, nhường nhịn, phép tắc, làm gì cũng nghĩ cho người khác trước nên không khí bữa ăn trở nên thư thái, ấm áp.
Ý nghĩa của văn hóa ẩm thực
Thời cổ đại, lễ nghi ẩm thực là một chuẩn mực xã hội mà người người đều phải tuân theo. Mọi người đều có thể từ lễ nghi trong bữa ăn mà nhìn ra được nền tảng văn hóa và mức độ giáo dục gia đình. Lễ nghi ẩm thực còn được sử dụng làm gia huấn của rất nhiều gia đình, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một phần trong văn hóa truyền thống.
Minh Anh tổng hợp.
Đọc thêm: