Không rõ nghề nặn tò he xuất hiện từ bao giờ, nó đơn giản là bánh bột các cụ nghĩ ra để bù đắp những thiếu thốn cho trẻ nhỏ mỗi dịp lễ, tết. Đất chiêm trũng bao đời chẳng đủ ăn nên các cụ mới nghĩ phải làm thế nào để có được một loại mà trẻ vừa có thể chơi, đến khi chơi xong lại có thể bỏ vào miệng ăn ngon lành.
Gốc tích tò he là ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tham gia nặn tò he, trẻ em sẽ được rèn luyện tính sáng tạo, sự kiên trì, tỉ mỉ. Đặc biệt, trò chơi này còn giúp con trẻ vun đắp tình yêu với vạn vật ở xung quanh mình.
Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ làm tò he
Nguyên liệu chính để làm tò he ở vườn Ecotta là bột gạo tẻ và gạo nếp. Để tạo được độ dẻo cần thiết cho bột khi tạo hình, 2 loại bột sẽ được trộn với nhau theo tỉ lệ 4 phần tẻ, 1 phần nếp. Hỗn hợp bột sau trộn được đem đi nhào cùng nước màu và đem luộc sơ. Phần bột đã luộc cần được nhào kỹ lại thêm 1 lần nữa nhằm đạt độ dẻo mong muốn để nặn tò he được như ý.
Màu nhuộm có các màu cơ bản: Màu vàng từ quả dành dành, màu tím hoặc đỏ từ lá cẩm, màu xanh từ lá nếp hoặc hoa đậu biếc, màu đen thì dùng cây nhọ nối. Các màu có nguồn gốc từ thực vật nên an toàn với con người.
Một số dụng cụ cần chuẩn bị như những que tre, chút dầu ăn, một cái lược, một con dao nhỏ và thân cây chuối để cắm tò he khi hoàn thành chúng.
Những ích lợi trong quá trình nặn tò he
Tùy vào trí tưởng tượng và bàn tay khéo léo của mình, các con có thể nặn ra nhiều hình thù khác nhau như: động vật, mâm ngũ quả, hoa lá, đồ ăn mà các con quan sát hàng ngày. Sau khi nặn xong thì cắm tò he lên thân cây chuối để trưng bày rất đẹp mắt.
Trò chơi nặn tò he tạo cơ hội cho trẻ em thỏa sức sáng tạo, luyện đôi bàn tay khéo léo để tạo ra những hình giống trong tự nhiên. Đặc biệt nó giúp con trẻ rèn luyện tính kiên trì, gia tăng tính kết nối giữa cha mẹ với con cái
Trong quá trình nặn tò he cha mẹ có thể kể những câu chuyện dân gian hay về giá trị truyền thống nuôi dưỡng đức hạnh trong con trẻ và những ký ức đẹp đẽ khi ở bên gia đình.
Đây cũng là một gợi ý tuyệt vời mà thầy cô, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con em tham gia vào các ngày lễ hay những dịp cuối tuần. Tò he được coi là nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng Bắc Bộ. Có lẽ, trong tất cả những món đồ chơi, tò he được lưu dấu trong ký ức của nhiều người bởi sự bình dị, mộc mạc và tính nghệ thuật độc đáo. Mong rằng, nghề làm tò he sẽ luôn được lưu giữ và được đón nhận trong mỗi gia đình.
Hình ảnh trong bài là workshop tổ chức tại Vườn Ecotta cho các gia đình trải nghiệm, qua từng khâu lấy nguyên liệu, sơ chế và cùng nặn tò he với con trẻ.
Tin tức xem thêm: